Chính trường Kim Young-sam

Năm 1954, là thành viên đảng cầm quyền dưới thời Syngman Rhee, Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Kim được bầu vào Quốc hội Hàn Quốc,[2] trải qua chín nhiệm kỳ đại diện cho các quận ở Geoje và Pusan. Vào thời điểm ấy, ở tuổi 27 ông là nghị sĩ trẻ tuổi nhất từng phục vụ trong Quốc hội.[4] Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Kim rời bỏ đảng cầm quyền và gia nhập khối đối lập khi Syngman Rhee muốn sửa đổi Hiến pháp.[2] Cùng với Kim Dae-jung, Kim mạnh mẽ chỉ trích chính quyền quân sự của Park Chung-hee và Chun Do-hwan.

Lãnh đạo Đảng Tân Dân chủ

Kim Young-sam, năm 1975

Năm 1974, Kim đắc cử Chủ tịch đảng Tân Dân chủ. Sau một thời gian mất quyền lãnh đạo trong năm 1976, ông trở lại với đầy đủ quyền lực trong năm cuối của chính quyền Park Chung-hee. Kim chủ trương không thỏa hiệp hoặc cộng tác với Đảng Cộng hòa Dân chủ của Park cho đến khi Hiến pháp Yushin bị bãi bỏ. Ông mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Park, điều này dẫn đến nguy cơ ông có thể bị cầm tù theo hiến pháp mới.[5]

Tháng 8 năm 1979, Kim cho phép 200 nữ công nhân của Công ty Thương mại Y. H. sử dụng trụ sở Đảng Tân Dân chủ để biểu tình ngồi lì. Một ngàn cảnh sát được huy động để bố ráp trụ sở và bắt giữ các công nhân biểu tình.[6] Một nữ công nhân bị thiệt mạng, nhiều nhà làm luật bị đánh đập khi cố bảo vệ các công nhân, một số phải nhập viện. Sự kiện Y. H. thu hút sự chú ý của công luận, Kim tuyên cáo chế độ Park sắp cáo chung.[7] Park quyết tâm loại bỏ Kim khỏi chính trường, ông sử dụng Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc thực hiện mục tiêu này. Tháng 9 năm 1979, một tòa án ra lệnh đình chỉ chức chủ tịch Đảng Tân Dân chủ của Kim.[8][9]

Sau khi Kim kêu gọi Hoa Kỳ ngưng ủng hộ Park Chung-hee khi ông trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ New York Times,[8][10] Park muốn bỏ tù Kim nhưng chính quyền Carter, quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng, mạnh mẽ cảnh báo Park không nên bắt bớ đảng đối lập. Khi Kim bị trục xuất khỏi Quốc hội trong tháng 10 năm 1979, Hoa Kỳ triệu hồi đại sứ về Washington, D. C.,[7] đồng thời 66 nghị sĩ thuộc Đảng Tân Dân chủ từ chức khỏi Quốc hội.[10]

Khi tin tức lan truyền rằng chính phủ chấp nhận sự từ chức tập thể này, một cuộc nổi dậy bùng phát tại Pusan quê nhà của Kim. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Sygman Rhee làm tổng thống, lan rộng đến thành phố Masan kế cận và những thành phố khác. Sinh viên cùng người dân kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài.[7] Cuộc khủng hoảng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ ám sát Park Chung-hee ngày 26 tháng 10 năm 1979 do Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA), Kim Jae-gyu, chủ mưu.[8]

Kim Young-sam, Chủ tịch Đảng Tân Dân chủ gặp Tổng thống Park Chung-hee, tháng 5 năm 1975

Quản thúc

Lập trường cứng rắn của chính quyền đối với khối đối lập được duy trì dưới sự cai trị của Chun Doo-hwan, một tướng lãnh lên cầm quyền sau cuộc đảo chính quân sự ngày 12 tháng 12 năm 1979. Kim Young-sam bị trục xuất khỏi quốc hội và bị cấm hoạt động chính trị từ năm 1980 đến 1985. Năm 1983, ông tuyệt thực 21 ngày phản đối chính quyền Chun Doo-hwan.[11]

Trong cuộc khủng hoảng chính trị tháng 6 năm 1987 khi bùng nổ những cuộc chạm trán dữ dội giữa sinh viên và cảnh sát chống bạo động, cách hành xử khôn khéo của Kim trong cương vị lãnh đạo khối đối lập khi ông chấp nhận thương thảo với lãnh đạo đảng cầm quyền, Roh Tae-woo, đã khai sinh cuộc cải cách dân chủ, theo đó hiến pháp được sửa đổi để tổ chức bầu cử tổng thống trực tiếp, phục hồi nền tự do dân chủ và các quyền công dân. Cũng theo thỏa thuận này, lệnh quản thúc Kim được gỡ bỏ, các quyền dân sự của ông được phục hồi để ông có thể tranh cử.[1]

Tranh cử tống thống năm 1987

Khi cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tổ chức năm 1987 sau khi Chun về hưu, Kim Young-sam và Kim Dae-jung cùng ra tranh cử khiến khối đối lập bị chia phiếu để Roh Tae-woo, tướng hồi hưu được Chun chọn làm người kế vị, thắng cử. Năm 1990, Kim bất ngờ sáp nhập Đảng Dân chủ Thống nhất của ông với Đảng Dân chủ Công lý đang cầm quyền của Roh thành Đảng Dân chủ Tự do, nay là Đảng Đại Dân tộc.[5]

Tổng thống (1993-1998)

Là ứng cử viên của đảng cầm quyền,[2] Kim Young-sam đánh bại Kim Dae-jung trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. Từ một nhà lãnh đạo phong trào dân chủ đối lập với nhà cầm quyền quân sự trong nhiều năm, khi trở nên tổng thống dân cử, Kim đã thiết lập nền tảng cho tiến trình chuyển giao quyền lực êm thắm tại một đất nước vốn nổi tiếng với những cuộc đảo chính quân sự.[2]

Kim Young-sam tiến hành cải tổ chính quyền và cải cách nền kinh tế của đất nước. Một trong những hành động đầu tiên của ông là khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng, bắt đầu từ giới chóp bu, ông cũng hứa không sử dụng quỹ đen.[2] Ông được xem là nhà lãnh đạo có công giải tán một nhóm nhiều thế lực trong quân đội cũng như chuyển hóa hệ thống tài chính vốn nhiều mờ ám của Hàn Quốc trở nên minh bạch.[2] Ông cũng ra lệnh cấm mở tài khoản ngân hàng dưới bí danh. Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng của Hàn Quốc bởi vì nhiều chính trị gia và doanh nhân thường không khai tên thật để che giấu những khoản tiền bất chính.[12]

Kim yêu cầu viên chức chính phủ và quân đội công khai tài chính khiến một số sĩ quan cao cấp và thành viên nội các phải từ nhiệm.[13] Ông cho bắt giữ hai nhân vật tiền nhiệm, Chun và Roh, truy tố họ về tội tham nhũng và phản quốc do vai trò của họ trong các cuộc đảo chính quân sự, các cuộc trấn áp đẫm máu phong trào dân chủ, và nhận hàng trăm triệu đô-la tiền hối lộ từ các doanh nghiệp. Đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của Kim, cả hai đều được ân xá theo tinh thần hòa giải dân tộc, và sau khi Tổng thổng tân cử Kim Dae-Jung được tham khảo ý kiến.[2][12] Ông cũng ân xá cho hàng ngàn tù chính trị, gỡ bỏ án hình sự cho những người ủng hộ phong trào dân chủ bị bắt giữ trong cuộc nổi dậy Gwangju.[13] Chiến dịch chống tham nhũng của ông là một phần trong nỗ lực cải tổ các chaebol, những tập đoàn khổng lổ của Hàn Quốc đang khống chế nền kinh tế.

Những biện pháp cải cách này được tiến hành suôn sẻ đã giúp đất nước thoát khỏi hiểm họa xảy ra các cuộc chính biến, học biết tầm quan trọng của nền kinh tế minh bạch, xây dựng nền đạo đức công vụ, và thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng.[14] Tuy nhiên, thông điệp chống tham nhũng của Kim bị tổn hại khi con trai ông bị bắt giữ vì tội hối lộ và trốn thuế.[2]

Năm 1994, khi Tổng thống Bill Clinton cân nhắc kế hoạch tấn công Nyonbyon, trung tâm của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, Kim ngăn cản Clinton để tránh xảy ra chiến tranh.[2]

Đảng Dân chủ Tự do của Kim thua sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1996. Kế đó là sự sụp đổ của tập đoàn Kia dẫn đến một loạt biến cố lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á 1997 trong năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của Kim.[13]

Trong cuộc khủng hoảng, sự sụp đổ của Kia cùng những tập đoàn khác buộc Kim phải chấp nhận 50 tỉ USD trong kế hoạch cứu trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kim Young-sam http://abcnews.go.com/International/wireStory/hosp... http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20151122000... http://nl.newsbank.com/nl-search/we/Archives?p_pro... http://www.nytimes.com/2015/11/22/world/asia/kim-y... http://www.nytimes.com/aponline/2015/11/21/world/a... http://chicago.suntimes.com/nationworld/7/71/11209... http://www.theglobeandmail.com/news/world/kim-youn... http://biography.yourdictionary.com/kim-young-sam http://fowler.ucsd.edu/south_korea.pdf http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?...